THÁI ĐỘ NHẬN “QUẢ”

Đăng vào 25/12/2022 274 lượt xem
Thái độ nhận ‘quả’
Phải định nghĩa lại chữ ‘Quả’ ở đây là gì, để chúng ta cùng nhìn chung về một hướng,
Quả là thuộc cái chuỗi trong Nhân-Duyên-Quả,
Cái này cơ bản nhưng lại không cơ bản, khi quán chiếu trong cuộc sống thường ngày thì anh em rất dễ nhầm lẫn… rồi lại đổ lỗi hết cho ông Trời thì tội ổng.
Quả ở đây là những cái anh em đang có, đang nhận, đang phải đối mặt, đang phải trải qua… Tất cả thứ đấy gọi là Quả do chính cái Nhân và Duyên anh em đã và đang gieo vào.
Nôm na thế này, anh em gieo một cái hạt xoài xuống đất, đó gọi là gieo Nhân…
Rồi mỗi ngày anh em chăm sóc, tưới nước, bón phân, v.v.. gọi là trợ Duyên từ anh em vào…
Ngoài ra còn có những Duyên khác ngoài tầm kiểm soát của anh em, đó là mưa, gió, nắng, không khí, côn trùng, bà hàng xóm phá, v.v..
Có nhân rồi nhưng vẫn phải đủ duyên thì mới ra quả được,
Đó là tại sao ở đời, có nhiều cái anh em đã gieo nhân tốt, cũng trợ duyên tốt mà vẫn không ra quả ngọt… mà vì có những cái duyên bên ngoài anh em nó chưa đủ, giống như nắng, gió, mưa vậy… Còn làm kinh doanh thì xã hội, chính trị, môi trường, công nghệ thay đổi. Hoặc 2 năm rồi dịch cô vy cũng là một cái duyên ngoài tầm kiểm soát của anh em.
Sinh con, nuôi con, dạy con, đến khi con trưởng thành, nó cũng theo đúng cái chuỗi đấy. Nhân – duyên – quả.
Để ra quả ngọt thì phải đủ nhân và đủ duyên,
Chứ không phải Bố mẹ tiến sĩ, nhà triệu đô thì thằng con sẽ tiến sĩ trong tương lai… Do đó, phải hiểu cái này thì trong việc nuôi dạy con thì anh em mới thã lỏng tâm trí mình ra được.
Đứa con nào cũng có nghiệp lực riêng, chính là có cái Nhân riêng của nó. Nó sinh ra làm con của anh em là để cân bằng nghiệp với nghiệp của anh em đang có. Nên để một đứa thành nhân, thành tài, nó cần rất nhiều trợ duyên… mà duyên từ phía bố mẹ chỉ chiếm một phần nào đó thôi. Nếu đủ phước thì không có bố mẹ, duyên từ chỗ khác vẫn giúp nó đi đến đích được.
Giống như thằng con trai tôi, tôi cũng chẳng mong đợi nó sẽ thành ông này bà kia gì cả và cũng không cần trở thành giống tôi. Nó có cuộc đời và bài học riêng của nó dựa trên nhân nó đã gieo, và tôi cũng có bài học riêng của tôi… nên nó sẽ trở thành cái mà nó đã gieo.
Điều mà tôi có thể làm tốt nhất ở vai trò bố mẹ, dưới 18 thì đủ cơm áo, học hành đủ theo tiêu chuẩn xã hội, rồi kèm thêm các Lễ nghĩa cơ bản, rồi hiểu thêm về nhân quả vô thường, khuyến khích nó chăm thể thao. Sau đó thì nó phải tự lực tạo nhân quả mới, còn phía tôi trợ duyên được phần nào thì trợ cho nó, chứ không thể kỳ vọng quá được.
Nói cái nhân-duyên-quả này rộng ra hơn nữa thì anh em có thể quan sát ngay trong chuyện kinh doanh, đi làm, đầu tư… Điều anh em có thể làm là hãy làm điều tốt nhất có thể thôi… còn lại thì xem phước phần của anh em đến đâu. Vì phước phần nó chi phối mấy cái trợ duyên của anh em.
Hiểu đến đây, anh em nào làm mãi chưa ra quả ngọt thì chỉ nhớ 2 điều, một là mình làm chưa có hết sức hoặc chưa đúng cách, hai là phước mình nó chưa đủ. Mà đầu sáng, chọn đúng đường, đúng cách, cũng là do phước nó chi phối gần hết rồi.
Tôi nói dong dài thế này, là để anh em phải hiểu cơ chế, tại sao mình lại nhận quả như thế! Chứ không thì anh em cứ than thân trách phận mãi, rồi dẫn đến hận đời hận người thì lại khổ thêm.
Nếu anh em nào nói đã ‘hiểu’ nhân-duyên-quả thì anh em phải quan sát được như sau:
– Những cái quả mình đang nhận, đều do chính anh em tạo ra. Chứ không phải tự nhiên.
– Hiểu quả là do chính mình tạo ra rồi, thì mình sẽ có 2 cái tuệ.
Một, là mình không muốn gieo nhân bất thiện nữa,
Hai, là mình không muốn đòi nợ nữa.
Đây là cái khúc sẽ nói về thái độ nhận quả đây.
Hầu hết thái độ mà chúng ta nhận quả chỉ đúng rơi đúng vào 2 đường này:
– Nếu quả ngon, ngọt, thơm… thì chúng ta sinh tâm tham --> do tham nên muốn nhiều hơn, nắm chặt hơn, sợ mất hơn.
– Nếu quả đắng, chua, cay… thì chúng ta liền sinh tâm sân --> do sân nên muốn đẩy nó đi, muốn nó biến mất, muốn tiêu diệt nó.
Anh em phải đọc thật chậm chỗ này, rồi thay từ ‘quả’ ở trên vào bằng một cái việc cụ thể mà anh em đang đối diện.
Có phải, quả đúng ý anh em thì anh em tham ngay,
còn quả không đúng ý thì anh em sân ngay không?
Ví dụ, tôi sinh ra đẹp trai, quả đây là cái sắc thân ngon. Vì thấy mình có sắc thân ngon nên tôi tham… không muốn mất nó. Tôi làm mọi thứ để giữ sự đẹp trai hoài… đó là thái độ tham khi nhận quả.
Hoặc tôi đi làm, gặp đúng ông đồng nghiệp toxic… đó là đang nhận quả đắng. Tôi liền nổi tâm sân hận với ổng ngay sau đó.
Anh em phải quán lại ngay trong chính cuộc sống của mình, là lúc mình nhận quả gì đi nữa… thì đều dễ rơi vào 2 cái thái độ trên, tham hoặc sân hết.
Đó là tại sao, nhân sinh trả nghiệp hay trả nợ hoài mà không hết…
Vì cứ nhận quả rồi lại gieo nhân mới ngay lập tức!
Bữa có bạn hỏi, thế khi đối diện với cái quả của mình, thì nên ngồi im để trả nợ cho xong hay phản ứng như thế nào cho đẹp?
Câu trả lời thì rất ngắn,
Cốt lõi, không phải là, im lặng chịu trận hay phản ứng lại…
Mà là im lặng với tâm gì và phản ứng với tâm gì.
Nếu im lặng chịu trận với tâm ức chế chịu đựng, dồn sân hận vào trong… thì cũng chẳng giúp ích gì cho bản thân mình và đối phương cả. Nó dồn ở đó rồi một ngày đẹp trời đủ duyên thì nó sẽ bung dữ dội hơn.
Còn phản ứng cũng vậy… phản ứng với tâm sân hay tâm tham… thì cũng tương tự im lặng với tâm sân.
Vậy trong tình huống nào, ta nên im lặng hay nên phản ứng…
Cái đó chỉ có anh em tự trả lời được thôi,
Nhưng trước khi im lặng hay phản ứng… thì luôn có vài giây rất nhanh để anh em xem lại thái độ của mình… là mình đang chuẩn bị ra đòn với tâm gì.
Nếu bạn thấy đây là tâm từ, tâm yêu thương, tâm hỷ xã… thì với tôi, im lặng hay phản ứng, lúc đấy anh em đã đủ sáng để quyết định.
Vì sao?
Vì không phải ai cũng đủ định lực để nhớ lại… hoặc để nhắc lại mình, xem lúc đó tâm gì đang diễn ra… Còn đa phần chúng ta phản ứng theo quán tính của vô thức trước. Quất cho đã cơn, xong việc thì anh em mới nhớ ra thôi.
Nhưng anh em cùng đừng lo, tôi cũng quên suốt, nên quất xong thì tôi tạo nhân mới rồi… hên thì đối phương nó im lặng cho qua… không hên thì nó quất lại tới tấp. Sau đó nhận khổ rồi mới chợt nhận ra rằng mình đã tạo thêm nhân mới từ quả cũ. Cứ lẩn quẩn hoài anh em ah.
Nên tất cả pháp môn đúng hướng thì đều chỉ kêu anh em làm một việc duy nhất thôi, đó là quan sát, quan sát và quan sát Tâm này đang diễn ra thế nào. Nên người xưa mới có câu “Liễu liễu thường tri” là như vậy, nghĩa là ‘luôn luôn biết mình’.
Trả quả một cách thiện xảo, đó là không tạo ra nhân mới, hoặc ít nhất là tạo ra nhân thiện. Tôi chỉ nói được cơ chế, còn tình huống thực tế thì do chính anh em diệu dụng. Mỗi lần khi ra quyết định im lặng hay phản ứng thì chỉ cần nhớ:
Nếu im lặng, thì có lợi cho mình, lợi cho đối phương và lợi cho những người liên quan hay không
Còn nếu ra đòn, thì có lợi cho mình, lợi cho đối phương và lợi cho những người liên quan hay không.
Muốn phản ứng thiện xảo thì tâm lực và tuệ lực phải vững để quan sát tình huống mới sâu được, rồi mới thấy được cái lợi ở các bên.
Nhưng đa phần là định lực của chúng ta còn yếu lắm, tri kiến cũng chưa thanh tịnh --> cho nên, im lặng vẫn là giải pháp tương đối ổn, chứ chưa phải tốt nhất. Vì mắt còn bụi, chưa sống được với nhân quả, vô thường, thì phản ứng cỡ nào cũng dễ rơi vào việc tạo nhân mới để trả quả tiếp. Cái đắng là, nhân mới tạo ra trên quả cũ đều là nhân bất thiện cả.
Đọc hết bài này thì anh em dễ nắm nguyên lý rồi, nhưng cái khó là lúc vào việc, anh em có nhớ quan sát tâm mình hay không.
Đọc xong thì anh em có Kiến,
Kiến này rất dễ quên, nếu anh em có hành thì nó thấm vào Thức từ từ. Nếu có trải nghiệm quan sát Tâm càng nhiều thì anh em sẽ có thói quen quan sát mọi thứ. Thực tế thì 1 ngày có 100 việc mà anh em quan sát được 20-30 việc là cuộc đời anh em đã khác nhiều rồi.
Cheers
Bác 7B
—-
Hình của Sajith Ansar

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.