TRƯỜNG ĐỜI

Đăng vào 13/12/2022 218 lượt xem
Trường Đời
thật ra, tất cả chúng ta, ai cũng đang tu sửa cả, dù muốn hay không thì ai cũng phải tu. Chỉ khác, là có người thì lên lớp và có người thì không.
game đời, là một trường học lớn, mà mỗi cá nhân sẽ được thiết kế những bài học riêng, nó hoàn hảo và tương ứng với đúng tâm thức của người đó.
đầu anh em đang nghĩ gì, đang thích cái A, đang ghét cái B, đang quan tâm cái C, sâu hơn nữa là đang bám chấp vào cái gì… thì những bài học cuộc đời sẽ được biểu hiện ra bằng tình huống cụ thể với Anh E, Chị F, hay nhóm G, tập thể H… nó có thể diễn ra trong một tình huống gia đình, hay tình huống công ty, hoặc những tương tác nhỏ trong xã hội, v.v…
hiểu đến đây,
anh em sẽ lý giải được cái câu,
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
‘khí’ ở đây, là tập khí hay cái nếp trong tư duy và hành động của người đó.
Hai ông muốn chơi với nhau lâu thì phải có cái sở thích, hay cái quan tâm giống nhau, nói phổ quát hơn, là có cái nghiệp giống nhau.
Cái tật giống nhau hay tìm đến nhau là như vậy,
về cơ chế, nó vận hành trên luật nhân duyên quả và luật cân bằng/hấp dẫn, đến với nhau để cùng học một bài học hay trao đổi bài học.
hồi lâu tôi có viết,
người hay tham thì sẽ gặp kẻ tham hơn,
người hay sân thì sẽ gặp kẻ sân hơn,
đồng thanh tương ứng, là những năng lượng phát ra từ tâm của anh em, nó như cái máy phát thanh, ai đúng tần số thì họ sẽ xuất hiện, để anh em trải nghiệm những bài học cần thiết về cái tâm tham và tâm sân đó.
tâm anh em nhiều đố kỵ, thì trường đời sẽ sắp xếp những tình huống tương ứng để anh em thấy ra và trải nghiệm được cái quả của tâm đố kỵ đó sinh ra.
nên việc một người xuất hiện trong cuộc đời anh em, đều là hoàn hảo, đúng lúc và cần thiết hết.
họ, những lời nói của họ, những hành động của họ, ngay tại tình huống đó, là tấm gương soi để anh em quan sát lại chính thân tâm của mình, nhất là khi đụng chuyện thì tâm anh em có gì, nó sẽ trào ra hết.
anh em học từ họ,
và họ cũng học từ anh em,
như sự trao đổi và cân bằng tâm thức cho nhau
nên sau này, riêng tôi thì có hai niềm tin tuyệt đối về game đời như thế này:
một, dù bất kỳ việc gì với ai đi nữa, nó đều mang những thông điệp và bài học cụ thể. Quan trọng là đầu ta có đủ trống, định tĩnh và trong sáng để đón nhận nó hay không.
hai, có vài bài học ta chưa kịp học xong, hoặc cố tình né tránh không học, thì bài học đó sẽ được lặp đi lặp lại hoài, với tình huống mới và con người mới.
hình tướng mới nhưng cùng bài học,
Chỉ khi nào học xong và trọn vẹn với bài học đó thì tâm thức anh em mới có chuyển hoá mà thôi.
hồi lâu, tôi có kể chuyện Bà chị, có đứa con làm ‘nhà báo’, chỉ ăn với chơi, rồi về báo nhà. Quậy quá nên dính quả tù 2 năm, nó khóc lóc xin Mẹ nó chạy tiền lo nó ra. Bả hỏi tôi, tôi nói, đi tù cũng có sao đâu, nhiều lúc lại tốt cho nó, vì đó là bài học nó cần học, để sau này nó không cần té cái hố voi đó nữa.
Mẹ nó vẫn chạy, mà lo nhẹ tay thôi, nên giấy tờ đi 2 năm nhưng mới 1 năm hơn là nó về rồi. Lúc về thấy nó thay đổi tý nhưng vẫn còn quậy lắm, tận sau này, nó dính vài bệnh mãn tính thì mới thấy nó hiền ra hẳn.
bệnh tật, phá sản, ly dị, chia tay, tù tội, oan ức, mất danh dự, sự cô độc, không được tôn trọng, bị đổ oan, bị sỉ nhục… đều là những bài học rất quan trọng trong hành trình đi tìm sự thật của một nhân sinh.
khi có sức khoẻ, anh em sẽ mong cầu rất nhiều thứ,
nhưng khi không có sức khoẻ, thì anh em chỉ mong một thứ thôi, đó là sức khoẻ.
khủng hoảng về sức khoẻ,
khủng hoảng về tình cảm,
hay khủng hoảng về mục tiêu sống hay ý nghĩa cuộc đời, rút cuộc tồn tại vì cái gì, cố kiếm tiền vì cái gì, v.v…
có đầy đủ tiền bạc, sắc đẹp, công danh, nhưng vẫn chán như thường nha anh em, đó là khủng hoảng của sự trống không, muốn gì cũng có nên đâm ra cũng rất mau chán.
không có cũng chán,
dư thừa mứa quá cũng chán,
chỉ có khúc giữa giữa hai thái cực đó là bớt chán tý thôi,
nên những khủng hoảng đó là cần thiết,
hay tôi nói vui, khủng hoảng là những bài kiểm tra cuối kỳ có hệ số nhân 3 hay nhân 4,
còn lại những tình huống nhỏ trong trường đời là bài kiểm tra 15 phút hay một tiết để liên tục nhắc nhở chúng ta nên quan sát lại chính mính.
nhưng trong lúc đang làm bài kiểm tra thì anh em nên lưu ý,
– đôi lúc, bài học của mình học còn chưa xong, thì đừng cố qua chỉ bài cho người khác. Cái này rất nhiều ở game đời, kiểu chuyện nhà không lo, mà suốt ngày đi lo chuyện xã hội.
– đừng quá can thiệp vào bài học của người khác nếu đó không phải duyên của mình. Hãy để họ tự trải nghiệm và giải ra bài toán của chính họ thì họ mới nhớ.
một đứa con học lớp 8 đang giải bài toán khó, ra hỏi ông bố giải làm sao, nếu ông bố kêu, khó quá con đừng giải nữa thì cũng kẹt. Mà khó quá để bố giải luôn cho, thì cũng kẹt.
Tối đa là đứng quan sát xem nó giải bài và kẹt khúc nào thì mồi khúc đó thôi, còn mồi không được thì dùng quyền trợ giúp từ Thầy Cô giáo dạy thêm.
một người đi xe lạc đường, hỏi anh em đi đến đó làm sao, đường khó không, anh em bảo đường phức tạp lắm, xuống xe đi, tôi chở luôn cho. hoặc đường đó khó lắm, đừng cố đi đến đó làm gì.
để trợ duyên cho một người mà không quá can thiệp vào bài học của người đó, thì nó cần sự quan sát và tuệ tri nhiều lắm.
okay, em lên xe đi, anh ngồi sau, chạy đến đâu thì anh chỉ đến đó, em tự lái thì em mới nhớ. Chỉ khúc nào kẹt quá, tự lực của em không đủ thì anh lái phụ, nhưng lần sau em vẫn phải tự lái khúc đó thôi, chứ không né được.
Đường đời cũng thế,
để hỗ trợ cho một người về một bài học nào đó. Cốt lõi nhất là anh em phải trải nó đủ sâu rồi, hay là anh em phải thấu hiểu được cái nhận thức và khả năng giải toán của đối phương đến mức nào rồi thì mới trợ lực phù hợp được.
Có bài toán vừa đủ khó thì họ tự giải được,
còn khó quá, nếu không có anh em xuất hiện, thì dòng nhân quả vẫn sắp xếp người khác phù hợp với tình huống nhẹ hơn để người đó giảm độ khó lại.
cái cốt lõi,
anh em lo thân mình đi đã,
thân mình chưa xong mà ôm đồm là banh đấy,
muốn ôm đồm cũng được thì sẽ học bài học về sự ôm đồm.
đa phần ai trong chúng ta cũng còn phàm nên đầy bệnh ra,
nên nhiều lúc cha tiểu đường lại chê cha huyết áp nhiều bệnh,
nói cái này để anh em biết sợ và bớt say mê hơn,
nếu thực sự nghiêm túc chữa bệnh cho chính bản thân mình thôi, thì thời gian đã không đủ rồi… chứ thời gian rãnh đâu mà lo chuyện người này người kia.
người ta sẽ học mãi một lớp, chỉ đến khi nào bài học đó hoàn thành thì mới lên lớp được. Nên nhiều lúc có một lớp thôi mà anh em cứ loay hoay lẩn quẩn biết bao cuộc đời vẫn chưa tới đâu.
nói lớp là để anh em dễ hình dung,
nếu biết mình đang ở lớp nào thì cứ trọn vẹn với bài học ở mức lớp đó, cũng đừng cố học nhanh để nhảy lớp, mà cũng đừng bỏ lơ hay trốn tránh để lưu ban hoài.
đã học thì học cho đàng hoàng tử tế,
vì phải hoàn thành cho trọn vẹn thì chúng ta mới lên lớp được.
chốt lại một bài thơ tặng anh em nhân ngày 20/11, xin tri ân những Thầy đời đã đến trợ duyên cho chúng ta.
Ngay tại nơi thống khổ,
Ta tìm thấy lối ra,
Do mải mê trốn chạy,
Nên cả đời bôn ba !
Cheers,
Bác 7B
——
Hình của L_Black_L

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.